Xuất khẩu: thành tích và nghịch lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài thì kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng 24% so với năm 2009, đạt 70,8 tỷ USD là một thành tích cần ghi nhận. Kết quả này được tạo dựng nhờ cả giá và lượng xuất khẩu tăng. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so cùng kỳ đã giúp kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,4 tỷ USD. Ngoài ra, tính riêng yếu tố tăng về số lượng giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, trong đó tăng giá mạnh nhất là cao su, điều, gạo, hóa chất, sắt thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây và cáp điện, máy móc… Năm nay, có thêm mặt hàng  hạt điều và xăng dầu lọt vào nhóm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 16 mặt hàng và nhóm hàng gia nhập câu lạc bộ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, dầu thô, điện tử và máy tính, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, đá quý và kim loại quý, máy móc thiết bị, cao su, cà phê, phương tiện vận tải và phụ tùng, than đá, dây điện và cáp điện, xăng dầu, hạt điều. Đặc biệt, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh có thể kể đến nhiều mặt hàng nông sản được giá. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009 dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu năm 2010 cũng đánh dấu một sự chuyển biến rõ rệt trong cơ cấu hàng hóa, với việc tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế tạo, giảm dần xuất khẩu hàng thô, có giá trị thấp.

Nhưng có thể thấy, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng chưa đủ sức giúp giảm con số nhập siêu trên thực tế. Nhập siêu đã ở mức 17%, thấp hơn so với chỉ tiêu của QH giao. Song nếu quy ra lượng cụ thể thì vẫn là một con số cao hơn so với năm 2009. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này là giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu không cao. Và hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều vướng phải hạn chế này. Nếu các con số cạnh nhau có thể thấy rõ bức tranh xuất khẩu của nước ta. Ví dụ như kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn, thu về khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra, thì kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, cá tra…. đều tăng cao. Tuy nhiên, nước ta cũng phải nhập khẩu lúa mì, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm. Chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu không cao. Sự bù trừ không đáng kể này cho thấy rõ hạn chế tồn tại lâu nay trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu tăng do trợ lực của tăng giá và lượng. Nếu như tăng lượng xuất khẩu không thì sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng lấy lượng bù cho giá trị hàng hóa. Điều này có nghĩa là mồ hôi nước mắt của người nông dân chưa tạo ra lượng giá trị lớn. Nhưng nếu xem xét yếu tố tăng giá thì cũng có thể thấy giá trị hàng hóa xuất khẩu vẫn chưa có chuyển biến cơ bản. Giá hàng hóa xuất khẩu tăng do đi cùng với những biến động mạnh của giá nguyên nhiên liệu trên thế giới. Hơn nữa, yếu tố này cũng khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao, nên mức nhập siêu thực tế vẫn tiếp tục tăng mạnh. Xét về % thì nhập siêu năm 2010 có thể đã bớt căng thẳng hơn những năm trước. Tuy nhiên, nếu xem xét con số cụ thể có thể thấy mức nhập siêu năm sau đã luôn cao hơn năm trước trong nhiều năm gần đây. Tình trạng này góp phần tạo nên việc ổn định vĩ mô chưa chắc chắn…

Trong xuất khẩu cũng cần chú ý là tác động đến người dân – đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong quy trình tạo ra sản phẩm xuất khẩu, đã có thay đổi hay chưa? Thực sự, việc giảm số lượng xuất khẩu gạo hay một số sản phẩm nông – lâm – thủy sản của nước ta có tác động nhất định đến thị trường thế giới. Nước ta đã trở thành một trong ba nước xuất khẩu nhiều nhất một số mặt hàng. Tuy nhiên, trong xuất khẩu gạo hay một số nhóm nông sản khác đều có chung tình trạng khi giá thu mua tăng cao cũng là lúc người nông dân không còn sản phẩm để bán. Có nghĩa là người nông dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều từ những con số xuất khẩu tích cực. Nhất là nếu nhìn vào những chương trình hỗ trợ thu mua nông sản, thì có thể thấy thực chất lợi ích vẫn chủ yếu dành cho doanh nghiệp. Kể cả việc xây dựng thêm các kho dự trữ trong chương trình cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, thì đối tượng hưởng lợi nhiều hơn vẫn là doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là xây thêm các kho mới với sức chứa khoảng 2,8 triệu tấn trong hai năm 2009 – 2010, nhưng gần hết năm 2010 hệ thống kho mới xây này đạt chưa tới nửa triệu tấn. Hơn nữa, các kho mới xây này cũng không theo dạng silo mà chỉ là những căn nhà hai mái để chứa mấy bao lúa gạo. Cách làm này phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp trước hết, còn lợi ích của nông dân và cả nền kinh tế phải chịu đứng sau. Do không thể chủ động được xuất khẩu vì thiếu hệ thống bảo quản và dự trữ nên hạt gạo Việt Nam luôn bị thua thiệt về giá. 

Trong khi đó, ở chiều ngược lại các sản phẩm nông sản của nước ngoài thâm nhập vào thị trường nước ta rất bài bản. Các chuyên gia Mỹ đã sang Việt Nam để giới thiệu về Chương trình bảo lãnh tín dụng dành cho các nhà nhập khẩu nông sản Mỹ cho năm tài chính 2011. Chương trình này được quảng bá do nước ta đã trở thành một thị trường nhập khẩu nông sản quan trọng. Thực tế, nếu năm 2005, xuất khẩu nông sản vào thị trường này cao gấp 4 lần so với nhập khẩu, thì trong quý I.2010 nước ta đã nhập siêu nông sản từ Mỹ. Hay như ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Do vậy, đã phải nhập khẩu thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là một nghịch lý ở một nước vốn có lợi thế về nông nghiệp như Việt Nam.

Những cam kết gia nhập WTO khiến không thể trợ giúp trực tiếp với người nông dân. Song, nếu như chuyển từ hỗ trợ thu mua sang đầu tư kỹ thuật canh tác, xây dựng các vùng chuyên canh lớn hay hệ thống kho bãi… thì có lẽ người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Như vậy thì vừa tuân thủ luật chơi khi hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, vừa tăng nội lực cho hàng hóa nước ta, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người sản xuất. Việc chuyển lợi ích cho người nông dân không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Nhưng các bất cập khiến giảm giá trị hàng hóa xuất khẩu không phải mới được đưa ra. Điều này đòi hỏi trong kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 phải tập trung nguồn lực và có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ này. Hơn nữa, với sự thiếu đồng bộ trong chiến lược, chính sách và cách điều hành thị trường đã khiến cho thị trường trong nước phải vất vả chống đỡ với hàng ngoại ngay trên sân nhà. ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng sau khủng hoảng các nước đều sử dụng công cụ hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa còn Việt Nam lại đang sa vào cái bẫy của tự do thương mại – một trong những yếu tố góp phần tạo ra nghịch lý xuất khẩu.

Lê Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân