Xuất khẩu thủy sản: Khó hoàn thuế vì vướng thủ tục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có Công văn số 08/2011 gửi Bộ Tài chính, phản ánh tình trạng các lô hàng xuất nhập khẩu được miễn kiểm tra, khi làm xong thủ tục hải quan, nhiều doanh nghiệp (DN) mới phát hiện tình trạng thừa hoặc thiếu số lượng, nhưng không được sửa chữa hoặc bổ sung tờ khai. Điều này khiến số tiền thanh toán qua ngân hàng cũng như số lượng xuất, nhập khẩu ghi trên sổ sách kế toán và phiếu xuất nhập kho không đúng như trên tờ khai hải quan khi DN nộp để làm thủ tục xét không thu thuế hoặc hoàn thuế. Sự sai khác này sẽ làm cho hồ sơ của DN bị ách lại, đồng thời DN sẽ không được xét thu thuế và hoàn thuế, thậm chí còn bị phạt.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho hay, theo quy định của Bộ Tài chính, nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu được ân hạn thuế trong vòng 275 ngày. Trong thời gian này, nếu DN xuất khẩu hết số nguyên liệu đã nhập, thì sẽ được xét không thu thuế. Còn nếu chưa xuất khẩu hết, DN phải tạm nộp thuế và được hoàn thuế sau khi xuất hàng đi.

“Quy định trên tạo thuận lợi rất lớn cho các DN xuất khẩu thủy sản. Nhưng trên thực tế, các DN chế biến xuất khẩu thủy sang đang gặp nhiều khó khăn trong hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo yêu cầu của hải quan, để được xét hoàn thuế”, ông Nam nói.

Đặc biệt, hiện tại, nhiều DN ngành thủy sản đang buộc phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu do khan hiếm nguyên liệu đầu vào.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, một số DN chế biến, xuất khẩu thủy sản kiến nghị, với mặt hàng thuỷ sản, ngành hải quan nên chuyển sang diện “hoàn thuế trước, kiểm tra sau”. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, trong trường hợp DN phải tạm nộp thuế, thì sau khi xuất hàng, thủ tục hoàn thuế sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn, giúp DN quay nhanh vòng vốn.

Về thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, Vasep cũng kiến nghị, Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cho phép DN còn nợ tiền khách hàng nước ngoài được phép cấn trừ khoản nợ đó cho những lô hàng tiếp theo.

Thực tế, khi DN thủy sản nhập khẩu một lô nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, chế biến, sau đó bán lại cho phía nước ngoài, việc thanh toán giữa hai bên thường được thỏa thuận theo phương pháp bù trừ giữa giá trị hàng xuất khẩu và trị giá hàng hóa nguyên liệu của phía nước ngoài. Để bù trừ hết trị giá hàng của lô nguyên liệu nhập từ nước ngoài, nhiều khi DN phải xuất đến 5 chuyến hàng. Tuy nhiên, muốn có đủ giấy tờ hợp lệ cho hồ sơ xin không thu thuế hoặc hoàn thuế khi mới xuất được chuyến thứ 3, thì DN phải mua ngoại tệ để thanh toán số tiền nợ còn lại cho đối tác, chứ không được phép cấn trừ nợ cho những lô hàng tiếp theo.

Ông Nam cho biết, những vướng mắc trên không đến mức trầm trọng, chủ yếu là về câu chữ trong thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục hoàn thuế. Về cơ bản, các DN xuất khẩu thủy sản được hưởng lợi từ chủ trương hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu của Chính phủ. Vasep sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử