Xuất nhập khẩu gặp khó nhất với kiểm tra văn hóa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, có tới 59% các doanh nghiệp được hỏi đánh giá rằng việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành về văn hóa là khó hoặc rất khó.

Thông tin được cho biết tại hội thảo chiều 27/4 công bố báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính hải quan, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan tổ chức.

Báo cáo đánh giá 5 lĩnh vực gồm tiếp cận thông tin quy định về hải quan; thực hiện thủ tục hải quan; sự phục vụ của công chức hải quan; kiểm tra chuyên ngành; và cơ chế một cửa quốc gia.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, 53% doanh nghiệp có hàng hóa phải qua kiểm tra chất lượng, 24% phải qua kiểm dich thực vật và 15% phải qua kiểm tra an toàn thực phẩm.

Chỉ có 4,3% số doanh nghiệp có hàng hóa phải qua kiểm tra văn hóa, tuy nhiên, đây là lại loại hình kiểm tra gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp, như thông tin đã nêu ở trên. Chỉ có 41% doanh nghiệp đánh giá thủ tục kiểm tra văn hóa là bình thường và tỷ lệ đánh giá dễ thực hiện là 0%.

Với  59% các doanh nghiệp được hỏi đánh giá rằng việc thực hiện là khó hoặc rất khó, đây là loại hình kiểm tra duy nhất được quá nửa số doanh nghiệp đánh giá là khó thực hiện.

Với kiểm tra y tế, 40% doanh nghiệp đánh giá là khó thực hiện; kiểm dịch động vật là 36%. Tính chung, 25% doanh nghiệp đánh giá các thủ tục kiểm tra là khó thực hiện, 67% đánh giá bình thường và 8% đánh giá dễ.

Theo các doanh nghiệp, thời gian thông quan hàng hóa văn hóa phẩm là quá lâu, làm tăng chi phí lưu kho của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đề nghị bỏ thông báo hàng đến và vận đơn trong hồ sơ xin phép nhập khẩu văn hóa phẩm để doanh nghiệp có thể chủ động xin cấp phép từ trước khi hàng về cảng.

Nhiều bất cập khác cũng được chỉ ra trong khảo sát. Có tới 93% doanh nghiệp cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau. Phần lớn cũng cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế và thời gian kiểm tra quá dài.

Các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian do có quá nhiều giấy phép con.

Ví dụ, khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu về 1 lô thép thì phải mất 24 tiếng mới xin được công văn của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Sau khi có công văn, doanh nghiệp nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp lại cho Chi cục và tiếp tục chờ đợi 3 ngày mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan.

Các doanh nghiệp cũng phàn nàn về tình trạng chồng chéo giữa cơ quan trong kiểm tra chuyên ngành. Ví dụ một số doanh nghiệp bị yêu cầu phải khai báo hóa chất tại Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khi nhập nguyên liệu dược, trong khi nguyên liệu này đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kiểm tra.

Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan lại được phần lớn các doanh nghiệp đánh giá là không khó, chỉ ở mức bình thường.

Tuy nhiên, thủ tục hoàn thuế có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khó thực hiện tương đối cao, tới 29%. Cũng theo khảo sát, vẫn có 31% số doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

“Doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó… mà làm chậm hồ sơ hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức hải quan”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Thanh Hằng

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Xuat-nhap-khau-gap-kho-nhat-voi-kiem-tra-van-hoa/304600.vgp