Xuất nhập khẩu năm 2012: Không giầy nào vừa các loại chân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thách thức lớn

TS Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội nhận định tại tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp XNK”: Năm 2012, nền kinh tế nước ta sẽ gặp không ít khó khăn. Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai sâu rộng các cam kết trong WTO; khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN+… Bên cạnh đó, lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện, gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản trì trệ. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi sẽ gây áp lực lớn. Tất cả những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp XNK.

Về phía DN, ngoài những khó khăn về thị trường, nhân lực, công nghệ thì khó khăn về tài chính là nỗi lo lớn nhất. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam – nhận định, tiềm năng của ngành cà phê rất lớn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2011 dự kiến đạt 2,5 tỷ USD/năm và năm 2012 khả năng sẽ đạt con số 3 tỷ USD. Mặc dù vậy, các DN gần như không có nhiều vốn duy trì sản xuất, phải lệ thuộc phần lớn vào ngân hàng.

Hiện tại, lãi suất cho vay ngoại tệ của Việt Nam vẫn ở mức khá cao (8%/năm) trong khi DN nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất chỉ 3%/năm. Năm 2012, mức lãi suất này khó có thể giảm. Điều đó khiến DN trong nước bị thua thiệt, khó cạnh tranh. Do vậy, các DN mong muốn được vay với lãi suất “dễ thở” hơn để cạnh tranh với các DN nước ngoài. Ông Ngô Thành Nam – Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV XNK và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hanoi) nói thêm, việc vừa tạo ra lợi nhuận, vừa trả lãi cho ngân hàng đang là bài toán khó đối với các DN.

Sẵn sàng nhiều kịch bản

Để vượt qua những khó khăn trong năm 2012, theo TS Nguyễn Minh Phong, các DN trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực XNK hoặc tham gia XK cần chủ động phân tích tình hình, sẵn sàng nhiều kịch bản ứng phó với biến động của thị trường. Thứ nhất, cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh XNK hàng hóa. Cụ thể, XK dệt may trong thời gian tới, Mỹ vẫn là thị trường cốt lõi nhưng bên cạnh đó cần đẩy mạnh vào các thị trường EU, Nhật Bản, Nga, Trung Đông. Thứ hai, chủ động các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác trong hoạt động kinh doanh, đối phó với các tranh chấp thương mại quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh – cho hay, từ năm 2008 tới nay, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nên các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Không có giải pháp chung nào cả, cũng không thể có chiếc giầy nào vừa các loại chân. DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận thị trường các nước. Vì vậy, các DN hãy dựa vào tình hình của mình để ứng dụng những giải pháp thích hợp.

Theo các chuyên gia, DN phải chủ động khai thác tốt nguồn lực tài chính, quan hệ và kinh nghiệm thị trường của Việt kiều cho hoạt động XK. Bên cạnh đó, tuân thủ tốt hơn luật pháp trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu, tiêu chuẩn về thông lệ hải quan, thương mại của DN. Ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – khuyến cáo, các DN XNK nên thận trọng, quan tâm ổn định thị trường cũ, bởi các bạn hàng cũ, do điều kiện khách quan, sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, họ có thể thay đổi đối tác. Nếu DN không nhanh nhạy, chủ động thì sẽ mất đối tác. DN hạn chế mở rộng thị trường mới vì các kế hoạch này đòi hỏi phải gia tăng thêm chi phí. Việc này không hề đơn giản trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, tiền tệ. Về hàng hóa, DN vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu giảm giá bán nhằm quay vòng vốn nhanh.

Nhật Quang
Nguồn: Báo điện tử Công thương