Xuất siêu chưa hẳn đã là tin mừng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nét nổi bật trong tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng qua là khối các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, xuất hiện thêm mặt hàng mới của khối có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim đã đóng góp hơn 5,4 tỷ USD vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ năm 2012, có thêm 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa tổng số các mặt hàng có quy mô xuất khẩu như vậy lên 22 mặt hàng. Bên cạnh đó, nhóm hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,7 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 1,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của nhóm. Điểm đáng chú ý nữa là hết 9 tháng năm 2012 cả nước đã xuất siêu 34 triệu USD. Đây là dấu hiệu cho thấy cán cân thương mại đã được cải thiện, tuy nhiên chưa hẳn là tích cực.

Những mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, dầu thô, thủy sản có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Điều này phản ánh sự khó khăn của thị trường tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam(Vasep) Trương Đình Hòe cho rằng, hiện khách hàng vẫn hạn chế nhập, chủ yếu tập trung tiêu thụ hàng tồn kho do tình hình kinh tế ở các thị trường nhập khẩu chính chưa được cải thiện. Ngoài ra, những rào cản thương mại về thuế tại thị trường EU, quy định sử dụng hóa chất ethoxyquin ở Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang các nước này. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản thiếu vốn để đầu tư cho vùng nguyên liệu. Riêng đối với mặt hàng cá tra – mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đứng thứ hai sau tôm, năm nay ngành thủy sản phấn đấu đạt 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến có thể hoàn thành nhưng hiệu quả của doanh nghiệp giảm.

Đối với ngành dệt may, tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng tiếp tục dẫn đầu cả nước, có thể đạt 11,25 tỷ USD (chưa tính xuất khẩu nguyên phụ liệu), tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên chỉ có các doanh nghiệp lớn là sống khỏe, duy trì được đơn hàng và thị trường xuất khẩu, còn không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu đơn hàng, thiếu vốn, thiếu lao động… Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, việc bỏ ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu sẽ làm giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng từ 8% (trường hợp bảo lãnh ngân hàng), đến 16% (trường hợp vay tiền nộp thuế nhập khẩu). Các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may nói riêng đã khó lại càng khó thêm. Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị tiếp tục thực hiện ân hạn thuế 275 ngày để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tương tự, các doanh nghiệp ngành Da giày cũng đang phải đối mặt với bài toán đội giá thành sản phẩm do các chi phí đầu vào tăng.

Dự kiến, nếu không có yếu tố đột biến, khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 sẽ đạt khoảng 113 tỷ USD, vượt so với kế hoạch 109,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng xuất khẩu hiện vẫn chủ yếu về số lượng, chưa có sự tăng trưởng bền vững về chất lượng hàng hóa. Giá xuất khẩu một số mặt hàng khó tăng, thậm chí giảm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được cải thiện là những thách thức phải tiếp tục vượt qua.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân